Tin tức

Cách phòng bệnh Sốt xuất huyết

07/10/2015

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm rất dễ mắc phải khi mùa mưa đang đến hiện nay. Vậy bạn đã biết cách phòng và chữa trị bệnh này chưa? Đừng bỏ qua những lưu ý dưới đây nhé.

  Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, với tính chất nguy hiểm của nó có thể khiến người bệnh tử vong sau khi phát bệnh nếu không được cứu chữa kịp thời. Bệnh này lây lan do một loại virus nhiễm khuẩn ở muỗi gây nên.


  Hai loại muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Loại muỗi này thường sóng xung quanh nhà, trong các bụi rậm cây cối um tùm, những nơi có ao tù nước đọng dẫn đến tình trạng ẩm thấp. Đặc biệt với thời điểm mùa mưa như hiện nay thì càng tạo điều kiện thuận lợi để căn bệnh này phán tán rộng rãi và gây nên những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mọi người.


  Đặc điểm của loại muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết

  Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.

  Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

  Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.

  Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.


 

  Biểu hiện của người bệnh sốt xuất huyết là gì?

  Sốt xuất huyết ở người lớn thường có hai biểu hiện là sốt và xuất huyết, người lớn xuất huyết nhiều hơn sốt. Thời gian sốt kéo dài từ 7 - 10 ngày và phát biến chứng (nếu có) vào ngày thứ 4 hay thứ 5. Ở người lớn, hầu hết sốt xuất huyết đều kèm theo sốt, lạnh run, nhức đầu, trong đó cao nhất là bị sốt với tỉ lệ trên 90% trường hợp… Ngoài ra, sốt xuất huyết người lớn còn có các triệu chứng tiêu hóa rất nổi bật như ói mửa, tiêu chảy, đau bụng. Đặc biệt, có những dấu hiệu lâm sàng trước nay ít thấy như viêm cơ tim, tiểu ra máu, tăng men gan…

 

  Sốt xuất huyết ở người lớn nguy hiểm nhất chính là lúc huyết áp bị tụt gây biến chứng như xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ra phân đen), suy gan, đông máu. Do đó, nguy cơ tử vong ở người lớn cũng cao hơn trẻ em.

  Với trẻ em, sốt xuất huyết thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, thời gian sốt từ 2- 7 ngày, kèm theo biểu hiện như đỏ phừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu. Trong 1 số trường hợp kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn.


  Từ ngày thứ 3-7 của bệnh, trẻ bắt đầu hạ sốt 37.5-38 độ hoặc thấp hơn, một số bệnh nhi có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như, lừ đừ, mệt mỏi, ói nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, gan to, một số trường hợp diễn biến đến sốc sốt xuất huyết với biểu hiện chân tay lạnh,mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp không đo được. Tất cả những trường hợp trên phải nhập viện cấp cứu ngay.


  Phải phòng tránh bệnh sốt xuất huyết thế nào cho đúng?


  Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

  Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Phòng chống muỗi đốt:

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Hy vọng với những thông tin trên đây sẽ giúp mọi người có cái nhìn đầy đủ hơn về bệnh sốt xuất huyết và biết cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

BS. LÊ XUÂN THỦY, CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG, BỘ Y TẾ

 


 

 


 

Trang 1 / 2 1 2 »

Copyright © 2013 - 2024 Trường Mầm Non Tổ Ong Vàng